30
03-2018

Thị trường địa ốc vùng ven TP.HCM: Ngoài đất nền, thị phần căn hộ cũng hấp dẫn không kém

Thị trường bất động sản đang có sức hút rất lớn từ các khu vực giáp ranh TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Dĩ An,… Không chỉ cơn sốt đất đang nóng lên từng ngày, mà thị phần căn hộ cũng chứng tỏ sức hút khi các dự án tầm cỡ liên tục đổ bộ.

Đất vùng ven tăng giá

Khu vực Đồng Nai với điểm nóng là Biên Hòa, Nhơn Trạch, giá đất liên tục tăng từ cuối năm 2017. Không chỉ đất riêng lẻ với giấy tờ đầy đủ, quy hoạch rõ ràng, mà cả đất dự án cũng được rao bán với thanh khoản rất cao, giá liên tục tăng.

Đơn cử tại địa bàn Biên Hòa, khu vực gần ngã ba Vũng Tàu các lô đất dự án giai đoạn đầu mở bán có giá 7-8 triệu/m2 thì đến nay đã tăng lên 14-15 triệu/m2. Tại khu vực trung tâm TP Biên Hòa như đường D2D, Võ Thị Sáu thuộc phường Thống Nhất giá đất vươn lên mức tiệm cận với các quận lớn của TP.HCM như quận 2, quận Bình Thạnh (trục đường lớn Điện Biên Phủ)… với mức 40 – 50 triệu/m2.

Trong khi đó, tại Nhơn Trạch, đoạn giáp Cát Lái (quận 2), đất nền lẻ chào bán đã trên 10 triệu đồng mỗi m2, tăng từ 20-35% so với thời điểm nửa đầu năm 2017. Đất cùng khu này nếu nằm tại mặt tiền đường lớn, gần khu dân cư, trung tâm hành chính có giá 14-15 triệu đồng mỗi m2, tức tăng gần 40-50% so với trước kia.

Còn tại Bình Dương, khu vực Dĩ An (giáp Q. Thủ Đức – TPHCM) hay Thuận An, Lái Thiêu đất nền tăng mạnh từ 14 triệu đồng lên 18 triệu/m2. Các nơi khác như Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên giá đất tăng trung bình 2-3 triệu/m2.

Hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại giúp kết nối thuận lợi các khu vực này với TP.HCM đã tạo cú hích đột phá cho thị trường địa ốc. Đơn cử như việc kéo dài tuyến Metro số 1 qua địa phận Bình Dương và Đồng Nai, tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, cây cầu kết nối TP HCM với Nhơn Trạch hay cao tốc Tân Vạn – Mỹ Phước, tuyến đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 1K đang hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong tương lai gần.

Có thể nói, giá đất các vùng giáp ranh tăng nhanh, giao dịch sôi động xuất phát từ lý do đầu tư, mua làm của để dành nhưng càng về sau, khi hạ tầng kết nối ngày càng tốt, các nơi này sẽ là nơi an cư mới, giúp giảm bớt áp lực tăng dân số lên đô thị hơn 10 triệu như TP.HCM.

Phân khúc căn hộ cũng rầm rộ không kém

Anh Nguyễn Hoàng Tuân (hiện tạm trú tại TP.HCM) cho biết: tôi lập nghiệp tại TP.HCM đến nay là 10 năm. Từ lúc là sinh viên mới ra trường cho đến nay tôi đã có gia đình với 2 con nhỏ nhưng việc mua nhà ở TP.HCM vẫn chưa thực hiện được. Lúc giá có thể mua được thì chúng tôi không có đủ khoản tích lũy, đến khi tích lũy vừa đủ, có khả năng trả nợ ngân hàng thì giá căn hộ liên tục tăng. Để chọn căn hộ vừa đủ cho 4 người sinh hoạt thì phải ít nhất phải ở mức 1,8 – 2 tỷ đồng. Đây là mức khá cao so với thu nhập của hai vợ chồng tôi. Gần đây chúng tôi quyết định mua nhà ở khu vực Tân Vạn (gần cầu Đồng Nai), nằm ngay tuyến Metro số 1 sau khi được kéo dài. Giá căn hộ này 600 triệu căn 1 phòng ngủ. Căn 2 phòng ngủ như yêu cầu của tôi nằm ở mức 800 triệu.

“Ban đầu, ai nghe nói tôi mua ở Biên Hòa (Đồng Nai) mà đi làm ở TP.HCM cũng đều bảo xa, nhưng bây giờ khi rất nhiều tuyến đường từ khu vực này đi vào TP.HCM được mở rộng, và quan trọng nhất là tuyến Metro được kéo dài đến đây thì giải pháp mua nhà như tôi được gọi là “nhạy thị trường”.

Theo: Cafef

Chia sẻ