03
03-2017

“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển: Đã chuẩn bị sẵn 20.000 tỷ tiền mặt, siêu dự án tại Tp.HCM sẽ có tổng mức đầu tư 65.000 tỷ đồng

Việc xin đầu tư các siêu dự án của Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chấp thuận về mặt chủ trương. Tuy nhiên, một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là, Tập đoàn Tuần Châu đang muốn biến những vùng đất ruộng đồng này thành siêu đô thị như thế nào?

Trong một văn bản gửi đến Thường trực Thành thủy và Thường trực UBND TP.HCM vào hồi đầu tháng 2/2017, Tập đoàn Tuần Châu cho biết, tổng vốn đầu tư cho các dự án: Sài Gòn Marina tại Cần Giờ; dự án Sài Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi; dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn; dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên ước tính có tổng giá trị đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 50%. Ngoài ra, đồng hành với chủ đầu tư sẽ có các tập đoàn, công ty, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Để thực hiện các siêu dự án trên, ông Tuyển khẳng định đến nay đơn vị này đã hợp nhất thiết bị thi công và nhân lực của 8 công ty hàng đầu về xây dựng giao thông đủ năng lực đáp ứng tiến độ dự án dưới sự chỉ đạo, điều hành và cung cấp tài chính của Tập Đoàn Tuần Châu. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 20.000 tỷ VNĐ tiền mặt đủ để phát triển dự án theo từng giai đoạn; 1,5 triệu tấn xi măng và 1 triệu tấn thép…”, ông Tuyển khẳng định.

Nếu được chấp thuận, Tập đoàn Tuần Châu cam kết, thời gian hoàn thành dự án là 4 năm kể từ khi hoàn tất thủ tục pháp lý và mặt bằng sạch được bàn giao. Cụ thể, 18 tháng sẽ cơ bản hoàn tất việc san lấp tạo mặt bằng và mở cửa giai đoạn 1 đối với dự án Sài Gòn Marina; cơ bản xong phần thô đường ven sông từ Củ Chi về cầu Phạm Văn Đồng; hoàn thành một số đoạn khoảng 40% cầu cạn; san lấp và đào xong phần thô của hồ điều hòa nước, san lấp và đầu tư các đường xương cá cho khu đô thị thông minh nối Đại lộ ven sông Sài Gòn – dự án Sài Gòn New City.

Đối với dự án Sài Gòn Marina City, địa điểm là tại bãi biển Cần Giờ, có tổng diện tích 1.430 ha, giáp ranh với dự án của Tập đoàn Vingroup. Theo chủ đầu tư, tổ hợp này bao gồm 9 phân khu đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh sống và du lịch của du khách, đó là khu khách sạn 5 sao, khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu dã ngoạingoại, khu văn hoá tâm lịch, đô thị hải sản…

Riêng dự án Sài Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi, có diện tích gấp 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại. “Chúa đảo” Tuần Châu cho rằng dự án này hình thành trên ý tưởng từ 70% nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của mô hình đô thị thông minh trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore, Nhật Bản…; 30% áp dụng những thành công từ mô hình đô thị thông minh Bắc Ninh.

“Trong giai đoạn đầu xây dựng ý tưởng, chúng tôi lựa chọn phương án xây dựng dự án thành trung tâm đô thị mới với dịch vụ thông minh và mong đợi được giao đủ quỹ đất, cơ chế để tương lai gần hướng đến một đô thị thông minh với tất cả các dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu cho biết.

Phối cảnh tổng thể siêu dự án tại Củ Chi của ông Đào Hồng Tuyển

Tham vọng của “chúa đảo” Tuần Châu sẽ biến Củ Chi thành siêu đô thị vệ tinh, một nơi bao gồm khu dân cư hiện đại, thung lũng silicon, trung tâm y tế siêu hiện đại…

Còn dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn có lý trình từ ngã 3 Nguyễn Huệ – Tôn Đức Thắng, quận 1 đến cầu Bến Súc, huyện Củ Chi với tổng chiều dài xấp xỉ 59 km. Dự án này kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố, tạo đà then chốt cho sự phát triển các quận huyện vùng ven như Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, tỉnh Tây Ninh và các khu vực lân cận v.v…

Giải tỏa nhu cầu cấp bách về tình trạng kẹt xe trầm trọng hiện nay trên các tuyến đường cửa ngõ phía Bắc thành phố như đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Trỗi, Cộng Hòa, Nguyễn Kiệm và xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất.

Giảm tải lưu lượng giao thông cho toàn bộ tuyến đường trục Bắc-Nam như Trường Chinh, Ngã tư An Sương, Quốc lộ 22 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi của khầu Mộc Bài – Tây Ninh. Đặc biệt, chủ đầu tư còn đề xuất đầu tư kéo dài tuyến metro, tàu điện một ray, tuyến xe buýt nhanh từ điểm đầu dự án đến siêu đô thị tại Củ Chi với chiều dài 32km.

Sau khi dự án hoàn thành, một hệ thống giao thông khép kín và đồng bộ sẽ kết nối thuận tiện khu vực Củ Chi với trung tâm thành phố.

Đặc biệt, dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên, Tập đoàn Tuần Châu xin phép đầu tư xây dựng trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất mới đạt quy mô tầm cỡ khu vực trên khu đất có diện tích khoảng 20 ha tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Chủ đầu tư cũng cho biết hiện quỹ đất sạch để thực hiện dự án này đã có sẵn, nếu UBND TP.HCM “bật đèn xanh” sớm thì sẽ triển khai xây dựng ngay trung tâm hoá chất mới. Diện tích khu đất mới này đủ lớn để đầu tư xây dựng thành một trung tâm hoá chất tầm cỡ khu vực và quốc tế trong tương lai.

Theo cafef.vn

Chia sẻ