12
08-2016

Tp.HCM xin nhiều cơ chế đầu tư cho một số dự án đường sắt trên cao

Về khu vực trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao cho nhà đầu tư Toshin Development Ltd, Nhật Bản đầu tư trung tâm này theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận tiếp tục áp dụng cơ chế vay lại theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 2135/VPCP-KTHT ngày 3/4/2012 đối với các dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư xây dựng và đặc biệt phần vốn vay bổ sung do phát sinh của dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương;

Đối với các dự án đường sắt đô thị khác chuẩn bị được triển khai như tuyến metro số 5 (đoạn Ngã tư Bảy Hiển – cầu Sài Gòn) đã được các nhà tài trợ cam kết cho vay vốn, cũng xin được tiếp tục áp dụng cơ chế tài chính tương tự.

Theo đó, ngân sách trung ương cấp phát vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và chi phí khác; chủ đầu tư dự án vay lại phần chi phí cho mua sắm thiết bị bao gồm thiết bị, phương tiện vận tải, khai thác nhà ga, depot…, ngân sách địa phương chi cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các nhu cầu đối ứng khác.

Về khu vực trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao cho nhà đầu tư Toshin Development Ltd, Nhật Bản đầu tư trung tâm này theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Thành phố sẽ thảo luận với JICA về khoản vốn vay ODA bổ sung vào dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) để thực hiện cấu phần xây dựng lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng tại khu vực trung tâm thương mại ngầm Bến Thành (khác với cấu phần xây dựng khu vực thương mại sẽ do Toshin đầu tư) và về khoản vốn vay ODA để đầu tư cho nhà ga thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương.

Trong văn bản, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho Thành phố được điều chỉnh dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, bổ sung khối lượng và chi phí đầu tư bằng vốn ODA đối với cấu phần trung tâm thương mại ngầm nêu trên sau khi được JICA đồng ý tài trợ bổ sung vốn; Thủ tướng giao cho các Bộ có liên quan hỗ trợ thành phố trong việc thực hiện điều chỉnh dự án.

TP.HCM cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đề nghị Chính phủ Nhật Bản và nhà tài trợ JICA xem xét, hỗ trợ bổ sung phần hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu, rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2.

Song song đó, Thủ tướng chấp thuận chủ trương phân kỳ tuyến metro số 5 thành hai giai đoạn đầu tư gồm đoạn Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài gòn và đoạn Ngã tư Bảy Hiền – bến xe Cần Giuộc mới. Kiến nghị cho phép lập hồ sơ trình quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 1 theo quy định của Luật Đầu tư công và sử dụng báo cáo Nghiên cứu khả thi lập tháng 12/2014 (đã được các nhà tài trợ và phía Việt Nam thẩm tra) để trình duyệt, do dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt danh mục dự án từ tháng 3/2011, các nhà tài trợ đã thống nhất và cam kết tài trợ đủ vốn ODA để đầu tư. Dự án metro số 5 giai đoạn 2 sẽ trình xin chủ trương đầu tư sau khi lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến vào giữa năm 2017.

Cho phép thành phố được triển khai thực hiện trước gói thầu tư vấn quản lý dự án sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Tây Ban Nha trước khi dự án đầu tư tuyến metro số 5, giai đoạn 1 được phê duyệt.

Theo cafef.vn

Chia sẻ