Những dự án tháp cao tầng tỷ đô ở Thủ Thiêm
Dù chưa được định hình rõ ràng nhưng siêu dự án 4 tỷ USD mà nhóm nhà đầu tư Mỹ đề xuất với ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM trong tháng 5 khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đó, dự án này được đề xuất bởi 3 doanh nghiệp Mỹ bao gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald (tổ chức tài chính, đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính, hiện diện tại hơn 30 thị trường lớn trên thế giới), Weidner Resorts (thuộc Weidner Holdings, phát triển và quản lý nhiều khách sạn, khu phức hợp nghỉ dưỡng 5 sao ở Mỹ, châu Á…) và Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Theo hồ sơ dự án, đây sẽ là khu phức hợp nằm trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô khoảng 11ha với tổ hợp 70 tầng, có trên 10 hạng mục trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp, khu bán lẻ, khu vui chơi giải trí, nhà hát opera… Riêng với tòa tháp văn phòng được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính – chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc. Dự án trên dự kiến triển khai trong thời gian 3 năm 2 tháng, với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Tiến độ của dự án được nhà đầu tư tính toán như sau: 15 tháng đầu sẽ là thời gian để hoàn thành thiết kế chi tiết hạng mục công trình, giai đoạn xây dựng sẽ kéo dài 2 năm 5,5 tháng, giai đoạn này được phân bổ thành 6 hạng mục khác nhau từ làm móng cho tới giao thông của tòa nhà và đưa vào vận hành thử nghiệm trong vòng 3 tháng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), một trong 4 cổ đông đề xuất đầu tư dự án cho biết, các nhà đầu tư đã hoàn tất các khâu chuẩn bị vốn, thiết kế bản vẽ nên chờ chỉ đạo của UBND TP HCM và Chính phủ chấp thuận, cấp giấy phép đầu tư là triển khai ngay.
Cũng chộn rộn từ tháng 4 đến nay, một dự án “khủng” khác của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đang kỳ vọng sẽ được triển khai trong tháng 7 năm nay là Thu Thiem Eco Smart City với vốn đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD.
Đại diện của Lotte cho biết, hôm 15/4 công ty đã có buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng để trình bày về ý tưởng của dự án và được tán thành. Tuy nhiên, để được chấp thuận Lotte cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính Phủ. Tổng số vốn đầu tư mà liên doanh Lotte cam kết rót vào khoảng 2,2 tỷ USD. Dự án có diện tích khoảng 16,71 ha bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư… và điểm nhấn là tòa cao ốc 50 tầng. Liên doanh nhà đầu tư này thậm chí chấp nhận ký quỹ và đóng gần 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất tại Thủ Thiêm và sớm triển khai dự án.
Đại điện đơn vị này còn cho biết thêm, công ty đã theo đuổi dự án từ 7 năm trước, cùng thời điểm triển khai Lotte Center ở Hà Nội nhưng do còn nhiều vướng mắc nên dự án kéo dài cho tới nay.
Một dự án nổi bật khác đã nhận được sự đồng ý của Thành phố từ 2014 là Tháp quan sát Empire City nằm trong khu lõi trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công trình này được coi là điểm nhấn của trung tâm mới tại quận 2. Dự án đã được UBND Thành phố cho phép liên doanh Tiến Phước – Keppel Land (Singapore) thực hiện trên khu đất 8,7 ha và sẽ là công trình cao nhất tại TP HCM khi hoàn thành với 86 tầng. Phần chân đế tháp quan sát sẽ thành trung tâm thương mại – dịch vụ – giải trí… với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Dự án đã được triển khai xây dựng từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2022 theo 4 giai đoạn.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm cho biết, nhu cầu vốn cho khu đô thị này là rất lớn. Khá nhiều nhà đầu tư ngỏ ý xây dựng các tòa tháp cao, tuy nhiên, tới nay mới chỉ có dự án tòa tháp 86 tầng được cấp phép và triển khai từ năm 2015. Còn dự án của liên doanh các công ty con của Tập đoàn Lotte đã trình Chính phủ và được chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Riêng với dự án 4 tỷ USD xây khu phức hợp có tòa tháp cao 70 tầng của các nhà đầu tư Mỹ, theo Ban quản lý Thủ Thiêm, đơn vị đã 2 lần gặp gỡ nhóm nhà đầu tư Mỹ. Phía nhà đầu tư này mới chỉ trình bày ý tưởng chứ chưa có hồ sơ hay phác thảo dự án chi tiết gửi tới ban quản lý. Tuy nhiên, sau quá trình họp nghe ý tưởng, ban quản lý cũng đã báo cáo UBND TP HCM xem xét.
Năm 2003, Công ty tư vấn của Mỹ là Sasaki được chọn để lên quy hoạch nhằm biến Thủ Thiêm thành một khu trung tâm thương mại và tài chính tầm cỡ quốc tế (sánh ngang với Thượng Hải, Dubai…). Nơi đây sẽ là một khu đô thị phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở vật chất hiện đại với điều kiện môi trường cảnh quan tự nhiên để nâng cao chất lượng sống và làm việc. Khu phức hợp bao gồm các dự án trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, dân cư đa chức năng và các dự án văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của TP HCM.
Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, một phần phường Bình An, Bình Khánh và được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu lõi trung tâm chính, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, Khu dân cư phía Đông, Khu châu thổ phía Nam. Dân số cư trú thường xuyên tại đây là khoảng 145.400 người, sẽ có hơn 217.000 người đến làm việc thường xuyên và khoảng một triệu khách vãng lai ghé đến trong các dịp lễ hội.