06
06-2017

Cú huých hạ tầng đẩy thị trường bất động sản TP.HCM phát triển

Nửa đầu năm 2017, thị trường bất động sản TP.HCM sôi động ở nhiều phân khúc. Đóng góp vào sự phát triển này phải kể tới sự phát triển của hạ tầng giao thông.

Những dự án đẩy thị trường

Đánh giá thị trường nửa đầu năm 2017, dù chưa có con số chính thức, nhưng các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đều cho rằng, thị trường đã bắt đầu vào guồng quỹ đạo phát triển. Một trong những lực đẩy để thị trường phát triển đó là hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều dự án mới phát triển, đã đẩy thị trường bất động sản tăng cao, đặc biệt là phân khúc căn hộ tầm trung.

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã đưa ra chính sách phát triển hệ tầng giao thông kết nối các vùng, khu vực với nhau và với trung tâm Thành phố. Đơn cử như tại khu Đông, được cho là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay có các dự án như tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang trong giai đoạn hoàn thiện; mở rộng trục đường chính xa lộ Hà Nội; xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2; trục đường Mai Trí Thọ đã thông xe nối quận 9, Thủ Đức vào quận 2 và thông vào quận 1; đặc biệt là trục đường Phạm Văn Đồng nối quận Thủ Đức, quận 9 vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất…

Đây được cho là lực đẩy tốt nhất cho thị trường khu Đông phát triển trong 6 tháng vừa qua với hàng loạt dự án được mở bán trong nửa đầu năm. Chẳng hạn, Him Lam Land tung ra thị trường 1.000 căn hộ Him Lam Phú An, Novaland đưa ra thị trường 3 dự án mới với các phân khúc căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự phố, Hưng Thịnh Land cũng đưa ra 2 dự án gồm 1 dự án chung cư với hơn 600 căn hộ và 1 dự án biệt thự phố với diện tích 10 ha, hay Phúc Khang cũng đưa ra dự án biệt thự phố…

Trong khi đó, tại khu Tây, tâm điểm mới của thị trường bất động sản TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng cũng được đầu tư. Đơn cử như tuyến đường 3/2, quận 10 hoàn thành việc kết nối với đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, giúp cư dân khu Tây vào trung tâm quận 3, quận 1 dễ dàng; việc mở rộng đường Lũy Bán Bích kết nối với đường Trường Chinh, giúp quận Tân Phú vào đường Cộng Hòa lưu thông vào quận 1; cầu vượt Quốc lộ 1A giúp giải tỏa tắc nghẽn tại đường Lê Trọng Tấn; xây dựng hầm chui Quốc lộ 1A với đường Trường Chinh, giúp lưu thông dễ dàng từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn vào trung tâm TP.HCM. Đặc biệt là tuyến Metro số 2, 3 cũng đang được tiến hành đền bù giải tỏa để bắt đầu xây dựng vào năm 2019, đã đánh thức bất động sản khu Tây sau thời gian dài ngủ quên.

Với hạ tầng giao thông phát triển, khu Tây đã thu hút nhiều chủ đầu tư rót tiền vào đây để triển khai dự án bất động sản, như Novaland, Hưng Thịnh, Trần Anh Long An, Cát Tường Đức Hòa… Với các sản phẩm đa dạng, từ căn hộ chung cư giá rẻ, căn hộ chung cư cao cấp, đến biệt thự phố, đất nền…

Trong khi đó, khu Nam của Thành phố cũng là một điểm sáng trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng với việc đưa vào lưu thông các trục đường kết nối giữa các quận 7, 8, 4, Bình Chánh, Nhà Bè vào quận 1. Bên cạnh đó, Thành phố còn đầu tư xây dựng 6 cây cầu kết nối khu Nam với các khu vực lân cận, gồm cầu Nguyễn Khoái nối quận 7 với quận 4; cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7; cầu Rạch Đĩa 1 trên đường Lê Văn Lương nối quận 7 với Nhà Bè; cầu Phước Khánh nối Nhà Bè với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); cầu Bình Khánh nối Nhà Bè với Cần Giờ; cầu Kênh Tẻ 2…

Ngoài ra, còn có nhiều tuyến đường trọng điểm, như mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30 m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh (quận 7); quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Bên cạnh đó, quy hoạch giao thông khu Nam còn có dự án tuyến metro số 4 (cầu Bến Cát, quận Gò Vấp – quận 1 – quận 7) với vốn đầu tư lên đến 97.000 tỷ đồng; hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư gần 2.600 tỷ đồng…

Chính nhờ những dự án mới này, mà thị trường khu Nam bắt đầu rục rịch tăng trưởng trở lại sau thời gian trầm lắng. Cụ thể, Phú Mỹ Hưng thông báo ra những dự án chung cư mới, Angia Investment cũng công bố dự án mới trên đường Hoàng Quốc Việt hứa hẹn sẽ bùng nổ trên thị trường trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian qua phát triển ổn định, trong đó những khu vực được cho là chậm phát triển như khu Nam nhờ hạ tầng giao thông mới đã phát triển trở lại. Tín hiệu tốt này được cho là phần lớn đến từ hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ hơn.

Hạ tầng tác động thế nào tới thị trường?

Theo CBRE Việt Nam, một trong những điểm nhấn của thị trường bất động sản năm 2017 là sự bứt phá của hạ tầng. Những nơi nào có chính sách phát triển hạ tầng tốt sẽ kéo theo điểm nhấn của thị trường, trong đó năm 2015, 2016 khu Đông TP.HCM là một trong những điểm nhấn, thì bước vào năm 2017, khu Tây đã nổi lên thay thế.

Đặc biệt, các chuyên gia về giao thông cho rằng, thị trường bất động sản và hạ tầng giao thông luôn là đôi bạn cùng tiến. Đơn cử, với dân số khoảng 13 triệu người, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM hiện rất lớn. Trong số người có nhu cầu về nhà ở, số gia đình có thu nhập 7 – 15 triệu đồng/tháng chiếm đa số. Với mức thu nhập này, người dân chỉ có thể mua nhà vùng ven, nhưng nhiều người lại làm việc tại trung tâm Thành phố. Do đó, để thực hiện việc giãn dân, Thành phố phải đầu tư hạ tầng giao thông kết nối ổn định, hiện đại… Khi hạ tầng giao thông kết nối đã bảo đảm, nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân đã “địa lợi nhân hòa”, thì các doanh nghiệp địa ốc ắt sẽ về vùng ven phát triển dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

“Có thể thấy, ở đâu hạ tầng giao thông ổn định, hay xuất hiện những dự án giao thông mới, thì tức khắc thị trường bất động sản nơi đó phát triển mạnh. Chính vì vậy, khi TP.HCM phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông tại các phân khu, thì thị trường bất động sản tại dây cũng phát triển đồng đều hơn. Đây được cho là tín hiệu tốt để cho thị trường địa ốc TP.HCM phát triển đồng đều”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM nói.

Ông Cường cũng cho biết, để hạ tầng giao thông phát triển, TP.HCM luôn trải thảm đỏ, kêu gọi và hỗ trợ cho nhà đầu tư để thu hút sự tham gia của khu vực tư vào hạ tầng giao thông. Hơn 100 dự án PPP của Thành phố, trong đó chủ yếu là dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư khổng lồ luôn được Thành phố ưu tiê,n gửi gắm cho nhà đầu tư tư nhân.

TP.HCM cũng là địa phương triển khai thành công nhiều dự án PPP giao thông nhất, nên luôn có niềm tin khi công bố các dự án này, bởi Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư chia sẻ gánh nặng kinh phí với ngân sách.

Theo cafeland.vn

Chia sẻ