15
07-2015

Chung cư cao cấp là sự lựa chọn của kiều bào

Với chính sách chính sách mở cửa cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam áp dụng từ ngày 1-7, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tinnhanhdiaoc.vn đã có cuộc trao đổi với bà Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM.

Bà có đánh giá như thế nào với Điều 65 Luật nhà ở sửa đổi 2014 có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 cho phép kiều bào và người nước ngoài mua và sở hữu nhà nhà tại Việt Nam?

Trước đây, cũng đã có nhiều chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà, đất. Tuy nhiên, chính sách chỉ ưu tiên cho năm đối tượng là các doanh nhân Kiều bào về nước đầu tư kinh doanh sản xuất; các trí thức có hợp tác khoa học, giảng dạy với các cơ quan, viện trưởng trong nước; người có công với đất nước; người được phép hồi hương, sinh sống và những người có điều kiện đặc biệt… Do đó, số lượng Kiều bào được mua nhà theo quy định như trên rất ít.

Sau đó, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2008, có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2009 đã tạo thuận lợi hơn cho Kiều bào có quốc tịch Việt Nam được mua nhà. Nhưng thủ tục đăng ký trở lại quốc tịch Việt Nam đòi hỏi nhiều loại giấy tờ, thủ tục để chứng minh có quốc tịch Việt Nam… nên số lượng người có đủ điều kiện để mua và sở hữu nhà đất cũng còn nhiều hạn chế.

Do vậy, Điều 65 Luật nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài và Kiều bào được sở hữu nhà, đất là tin vui cho kiều bào và thật sự mở rộng cánh cửa cho Kiều bào mua nhà tại Việt Nam.

Vậy theo bà, Kiều bào khi mua nhà tại Việt Nam họ mong muốn được đáp ứng các nhu cầu gì? Yêu cầu về tiện ích, không gian sống, hạ tầng giao thông và tính pháp lý như thế nào?

Đa số Kiều bào định cư tại các nước Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Đức, Bỉ… nên họ quen với cách sống phương tây có các tiện ích phục vụ lối sống công nghiệp, hiện đại. Vì vậy, khi mua nhà tại quê hương, đa số Kiều bào sẽ chọn mua tại những thành phố đáp ứng tốt nhu cầu sinh sống, vui chơi, có vị trí gần khu thương mại, đầy đủ các dịch vụ thuận lợi cho cuộc sống, giao thông dễ dàng, môi trường thông thoáng, cùng với đó là an ninh trật tự được bảo đảm.

Theo bà những phân khúc nhà ở nào (chung cư cao cấp, biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển) sẽ được kiều bào quan tâm đầu tư?

Kiều bào khi mua nhà ở Việt Nam nhằm mục đích để sử dụng khi về nước. Ngôi nhà chính vẫn là ngôi nhà mà họ đã sống ở nước ngoài. Bởi vì, đa số Việt kiều vẫn muốn giữ quan hệ với nước sở tại về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương, hưu trí, chăm sóc sức khỏe định kỳ… Đồng thời, họ muốn đi đi về về, giữ quan hệ thường xuyên với gia đình, con cháu của họ ở nước ngoài và bạn bè.

Bên cạnh đó, đa số những người có điều kiện mua nhà là những người bắt đầu nghỉ hưu. Họ muốn về quê hương trong những tháng mùa đông, thời tiết lạnh lẽo… trong những tháng cuối năm. Do đó, khi mua ở Việt Nam Kiều bào thường lựa chọn các chung cư cao cấp.

Theo đánh giá của bà thì chủ đầu tư nào tạo được niềm tin để Việt kiều mua nhà tại Việt Nam?

Kiều bào thường chọn các chủ đầu tư quốc tế có uy tín, có kinh nghiệm trong xây dựng nhiều công trình lớn, cung cấp giấy tờ sở hữu nhà rõ ràng, có đội ngũ quản lý an toàn, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh, giao thông thuận lợi…

Do đó, những dự án ở TP.HCM điển hình như Vinhomes Central Park, Angia Riverside, The Sun Avenue, ….. với đầy đủ các tiện ích sẽ là lựa chọn hàng đầu của Việt kiều.

Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng ven biển tại khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay luôn được đánh giá hết sức hấp dẫn với những ai muốn mua đầu tư. Theo bà phân khúc này ở Việt Nam có thu hút kiều bào hay không?

Như đã đề cập ở trên, thay vì mua biệt thự phải bảo trì tốn kém, kiều bào thích mua căn hộ cao cấp có từ 2, 3 phòng ngủ. Vì họ xem nhà ở Việt Nam là nhà phụ và chỉ sử dụng ngắn hạn, ngôi nhà chính vẫn ở nước ngoài là nơi mà họ sinh sống thường xuyên.

Theo thói quen ở nước ngoài, họ thích trao đổi căn hộ cho nhau. Họ tập hợp một số bạn bè rồi phân chia người mua căn hộ ven biển, người mua vùng núi, nông thôn ở những vị trí, địa điểm khác nhau như: Phú Quốc, Nha trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế và Đồng bằng sông Cửu Long… để hoán đổi. Sau đó, họ sẽ luân phiên, mỗi người sử dụng một vài tháng. Vào các thời điểm không sử dụng nhà, họ cho người khác thuê lại để thanh toán chi phí vé may bay và ăn ở trong nước.

(Theo Tin Nhanh Địa Ốc)

Chia sẻ