11
07-2017

Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị triển khai nhanh đường sắt TP HCM – Cần Thơ

Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải ngày 11/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Bộ triển khai nhanh dự án tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, nếu dự án tuyến đường sắt này hoàn thành, ngoài ý nghĩa giải quyết giao thông, vận chuyển hàng hóa thì khi hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực gia tăng dân số cơ học từ các địa phương lên thành phố.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ thành phố đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1, số 2; sớm thực hiện các tuyến vành đai số 3, 4, các tuyến cao tốc gắn giao thông thành phố với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết thành phố mong muốn Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ, cùng thành phố giải quyết một số nút thắt lớn về giao thông trong nội đô.

“Nút thắt” thứ nhất là sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, TPHCM đã và đang triển khai 22 dự án làm cầu vượt, mở rộng đường ở khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải giao thông ở đây. Tuy nhiên, dự án làm đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn ra đường Cộng Hòa chưa triển khai được do nằm gần khu vực sân bay và đất quốc phòng. UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT cùng UBND TPHCM đề nghị Bộ Quốc phòng nhanh chóng xem xét, hỗ trợ cho UBND TPHCM sớm triển khai dự án này.

“Nút thắt” thứ hai: khu vực cảng Cát Lái. UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT tổ chức điều phối hàng hóa giữa các cảng biển trong vùng TPHCM để giảm tải cho khu vực này.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải kiến nghị Bộ nghiên cứu mở thêm cổng tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất tại vị trí trên đường Thống Nhất cũng như các vị trí khác trên các tuyến đường Trường Chinh, đường Phạm Văn Bạch, đường Tân Sơn, đường Quang Trung… nhằm tăng thêm các hướng tiếp nhận hành khách ra vào.

Ngoài ra đại diện Sở Giao thông vận tải thành phố cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm làm hồ điều tiết (rộng 1,3ha) chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất đồng bộ với các dự án thoát nước khác mà TPHCM đang triển khai gồm Kênh A41, mương Nhật Bản và kênh Hi Vọng.

Với những ý kiến từ lãnh đạo và đại diện một số Sở, ngành liên quan của TPHCM, ông Trương Quang Nghĩa – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, quan điểm của Bộ là việc giải quyết giao thông cho TPHCM cần phải được ưu tiên vì thành phố vừa là cửa ngõ và đồng thời là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do đó, những khó khăn của TPHCM trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị sẽ được Bộ Giao thông vận tải tổng hợp trình lên Chính phủ xem xét.

Về dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Trương Quang Nghĩa, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai một số giải pháp nhằm nâng công suất của sân bay lên 43 – 45 triệu hành khách/năm, tuy nhiên công suất tối đa cũng chỉ có thể đạt ở mức 50 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thời gian gấp cũng như chưa tìm được nguồn kinh phí để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay việc vừa qua TPHCM đã hoàn thành cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất thì cũng chỉ mới đem lại kết quả tạm thời. Kết nối độc lập giao thông vào sân bay vẫn chưa làm được.

Trước đề nghị liên quan đến tuyến đường sắt từ thành phố đi Cần Thơ, ông Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm, Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn đồng tình, ủng hộ thực hiện tuyến đường sắt nối TPHCM với Cần Thơ nhằm giải quyết vấn đề giao thông và vận chuyển hàng hoá giữa thành phố với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với đề xuất điều tiết luồng hàng hóa ra vào cảng Cát Lái, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định: Đây là đề nghị hợp lý. Hiện khu cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) được đầu tư bài bản, luồng tàu sâu… nhưng chưa khai thác hết công suất. Nếu điều tiết được luồng hàng ra đó, không những TP HCM giảm tải được cho hệ thống giao thông mà còn giúp khu cảng này phát triển.

 

Chia sẻ