14
06-2024

Bất động sản rục rịch “đu” theo dự án đường Vành đai 2

PNO – Dự án đường Vành đai 2 của TPHCM đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thị trường bất động sản khu vực này cũng bắt đầu hút nhà đầu tư.

Con đường chiến lược của khu Đông

Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 TPHCM; dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao thông Gò Dưa – quốc lộ 1, TP Thủ Đức; Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 64km. Trong đó, đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác khoảng 50km (gồm đoạn tuyến quốc lộ 1A (từ Gò Dưa đến An Sương) dài 13,5km; đoạn tuyến quốc lộ 1A (từ An Sương đến An Lạc) dài 13,5km; đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4km; đoạn tuyến từ nút giao khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11km với quy mô từ 6 đến 12 làn xe.

Một đoạn dự án đường Vành đai 2 đang thi công dang dở
Một đoạn dự án đường Vành đai 2 đang thi công dang dở

Hiện nay, Sở GTVT đang nghiên cứu để triển khai thực hiện đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai 2 với tổng chiều dài 14km còn lại, gồm 4 đoạn. Trong đó, đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) có chiều dài 2,7km đã được triển khai từ năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện dự án mới đạt 44% khối lượng công trình và tạm ngưng thi công.

Hiện nay, các sở ngành đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho đoạn này. Nếu giải quyết được các khó khăn, đoạn 3 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.

Liên quan đến dự án đường Vành đai 2, Phó chủ tịch UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét đề xuất của Sở GVT liên quan đến điều chỉnh tuyến Metro số 6 và tuyến đường trên cao dọc Vành đai 2; tổ chức cập nhật vào các Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 và các Đồ án quy hoạch khác có liên quan theo đúng quy định hiện hành.

Sở GTVT khẩn trương phối hợp với Ban Giao thông và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TPHCM liên quan đến ranh chiếm dụng của dự án làm cơ sở triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hội đồng thẩm định chương trình, dự án đầu tư công khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 (không có cấu phần xây dựng) được giao bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ dự án dầu tư xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn 1, đoạn 2).

Giá nhà đất bắt đầu nóng lên

Dù dự án đường vành đai 2 không phải là hạ tầng duy nhất đi qua địa phận TP Thủ Đức nhưng đây được xem là xung lực mới giúp thị trường bất động sản “hồi sinh” sau khoảng thời gian im ắng. Dọc theo dự án Vành đai 2, một số dự án bất động sản đang rục rịch quay trở lại thị trường. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư vào đón sóng quy hoạch hạ tầng, kì vọng về mức độ tăng giá bất động sản trong tương lai khi tuyến đường này được khép kín.

Khảo sát cho thấy, giá nhà đất khu vực này bắt đầu nóng lên. Tại mặt tiền đường Tô Ngọc Vân đang ở mức trung bình từ 120-150 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá nhà đất tại các hẻm nhỏ thuộc tuyến đường này dao động 80-100 triệu đồng/m2. Đi kèm với giá nhà đất, giá văn phòng, mặt bằng thương mại tại Tô Ngọc Vân cũng tăng giá. Đối với phân khúc căn hộ, một số dự án đã đẩy giá dao động trên dưới 100 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia, dự án đường Vành đai 2 TPHCM khép kín sẽ giúp giao thông các trục phía Đông thành phố phát triển, kết nối với các tỉnh lân cận. Dự án sẽ trở thành tuyến đường trung tâm đặc biệt của TP Thủ Đức. Đặc biệt giúp mở thêm không gian phát triển đô thị các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ… giúp giảm ùn tắc khu nội thành.

Bên cạnh đó, đường Vành đai 2 TPHCM hoàn thành cùng với các hạ tầng giao thông trọng điểm như Vành đai 3, nút giao Mỹ Thủy, cầu Cát Lái, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Quốc tế Long Thành, Metro số 4… sẽ tạo thành chuỗi giao thông liên kết vùng cho khu Đông, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TP Thủ Đức.

Bà Đỗ Thị Thu Giang – Giám đốc dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam – cho biết, hiện nay nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đẩy mạnh giải ngân, việc giải ngân được thực hiện trên nhiều loại hình khác nhau bao gồm đường bộ, cầu, sân bay, bến cảng và đường sắt. Luật Đất đai sửa đổi sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng thông qua việc áp dụng các khung giá thị trường.

Hạ tầng giao thông thường đi đôi với bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng dự án đường Vành đai 2 hoàn thành là cơ hội để tăng giá trị và thanh khoản bất động sản
Hạ tầng giao thông thường đi đôi với bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng dự án đường Vành đai 2 hoàn thành là cơ hội để tăng giá trị và thanh khoản bất động sản

Đặc biệt, nhiều dự án hạ tầng này đang cải thiện tính kết nối thông qua các đường bộ, cao tốc, cầu và đường vành đai. Điều này giúp kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện ích cho cư dân một cách hiệu quả hơn.

Cũng theo bà Giang, việc phát triển cơ sở hạ tầng kéo các khu vực ngoại ô “lại gần” với trung tâm thành phố hơn, giúp làm giảm thời gian di chuyển. Điều này được nhận thấy rõ ràng nhất với mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TODs) như hệ thống Metro, sẽ tạo điều kiện cho phát triển quy mô lớn và mật độ dân cư cao dọc theo tuyến đường, làm cho việc đi lại từ các khu vực ngoại ô trở nên hiệu quả hơn. Việc phát triển ra khu ngoại ô giúp các chủ đầu tư tiếp cận được nguồn đất giá thấp hơn, từ đó có thể phát triển nhà ở có giá cả phải chăng hơn, do chi phí đất thấp hơn.

Ông Lê Quang Danh – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và dịch vụ Tiến Phát – chia sẻ, riêng trong quý đầu năm, TPHCM đã gấp rút giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm, nổi bật là các dự án đường Vành đai 3, tuyến Metro 1 và nút giao An Phú và gần đây là dự án đường Vành đai 2 cũng chuẩn bị khởi công lại, dự báo các khu vực lân cận chắc chắc sẽ tạo sức hút mạnh, nhất là bất động sản.

Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ sẽ là nền tảng để kinh tế phát triển không chỉ riêng với bất động sản, mà ở nhiều lĩnh vực khác, vì đường sá thuận lợi, kết nối lưu thông thì hoạt động giao thương cũng sẽ phát triển theo, giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, thời gian đi lại giữa các khu vực…

Thực tế, xu hướng hạ tầng phát triển tới đâu giá trị bất động sản tăng lên tới đó không phải mới, nhưng với quỹ đất đầu tư của thành phố không còn lớn. Hiện dự án đường Vành đai 2 được xem như trục đường trung tâm của TP Thủ Đức. Các dự án bất động sản nằm trên trục đường này chắc chắn cũng là 1 trong những dự án đắc địa nhất của thành phố hiện nay nên việc các dự án khởi động lại và gây chú ý cho nhà đầu tư cũng không có gì lạ.

Nguồn: phunuonline.com.vn

Chia sẻ