Áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép, thép dài: Ai được lợi?
Ngày 7/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã ký ban hành quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ lần lượt là 23,3% và 14,2%.
Sản phẩm bị áp thuế tự vệ tạm thời gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim, và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim, bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam ở một số mã.
Quyết định này được Bộ Công Thương đưa ra khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý đồng loạt gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng phôi thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo số liệu của VNSteel đưa ra, lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam năm 2015 lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014. Đặc biệt, mức nhập khẩu phôi thép đã tăng đột biến trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, với mức tương ứng là 317.000 tấn và 340.000 tấn. Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Đây được xem là giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước trước thực trạng nhập khẩu phôi thép Trung Quốc vào Việt Nam tăng ồ ạt trong thời gian qua. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mỗi tấn phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc hiện có giá 6 triệu đồng, trong khi giá thành sản xuất trong nước lên tới 7,6 triệu đồng. Năm 2015, có những thời điểm giá nhập khẩu thấp hơn giá sản xuất trong nước đến 2 triệu đồng/tấn.
Thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu nhằm mục đích bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng liệu doanh nghiệp trong nước có nhân cơ hội này để tăng giá bất hợp lý, đổ gánh nặng lên vai người tiêu dùng?
Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định nêu trên và dù văn bản chưa có hiệu lực, song giá thép trên thị trường Việt Nam đã tăng mạnh. Trên thị trường, giá thép cuộn hiện dao động từ 12,8-13,2 triệu đồng/tấn, thép cây 11,9-12,35 triệu đồng/tấn (tùy loại). Đại diện các doanh nghiệp thép cho rằng, giá thép tăng một phần nguyên nhân từ việc giá nguyên liệu trên thế giới tăng. Cụ thể, tháng 3-2016, giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1-2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó (180-185USD/tấn). Tuy nhiên, giá thép tăng còn có tác động từ việc các đại lý, nhà phân phối có dấu hiệu găm hàng trước thời điểm thuế tăng, trong khi mùa khô – mùa xây dựng đang đến gần.
Giải pháp của Bộ Công Thương được coi là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, giá bất kỳ một mặt hàng nào tăng đều không phải là thông tin tốt. “Mức tăng chỉ ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đánh giá khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra” – đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Thừa nhận có thể xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá, nhưng Bộ Công Thương cho rằng với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế (có thể dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực) thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt. Với quyết định trên, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian để ứng phó với thép ngoại, chủ yếu là thép Trung Quốc nhập khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành thép cần có sự tái cơ cấu lại để phù hợp với thực tế hội nhập, mở cửa cắt giảm thuế theo lộ trình Việt Nam đã cam kết.