25
12-2017

Tập đoàn Mitsubishi đổ tiền ‘khủng’ vào địa ốc TP.HCM

Ngày 24/12, Tập đoàn Mitsubisi của Nhật Bản và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) công bố hợp tác chiến lược và ký kết liên doanh trong việc phát triển nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh tại TP.HCM.

Vốn Nhật Bản rót hàng trăm triệu USD sau thời gian dài dè dặt

Theo đó, tỷ lệ vốn góp của Mitsubishi Corporation sẽ tương ứng 49% vốn điều lệ và Phuc Khang Corporation (51%) thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC). Cả hai bên sẽ cùng đầu tư và phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, dự án nhà ở đầu tiên tại Viet Nam được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED (USGBC – Hoa Kỳ) – một tiêu chuẩn công trình xanh uy tín và phổ biến tại 150 quốc gia trên thế giới.

Ngay trong tháng 1/2018 tới đây, khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside, nơi đã và đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm, lựa chọn của các gia đình trẻ và nhà đầu tư cá nhân tại TP.HCM.

Thông qua PKMC Holding, hai bên sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20ha (phức hợp thương mại, chung cư cao tầng) trong khu vực trung tâm TP.HCM, gồm: Quận 1, Quận 2, Quận 8, Quận 10, Tân Bình, Tân Phú,… và 1.000ha ở các vùng lân cận chỉ cách CBD TP.HCM từ 20-30km.

Dựa vào những bí quyết đã tích lũy qua các dự án bất động sản ở nhiều quốc gia, Mitsubishi Corporation sẽ tham gia cải thiện các thành phần giá trị gia tăng trong việc phát triển dự án bằng cách giới thiệu một loạt các công nghệ xây dựng Nhật Bản, bao gồm quản lý chất lượng và quản lý tiến độ.

TP.HCM là thành phố lớn nhất ở Việt Nam cả về quy mô dân số và quy mô kinh tế. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định dẫn đến việc mở rộng tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống giao thông đô thị mới, thị trường TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản khác.

Các mục tiêu hợp tác liên doanh lần này giữa hai thương hiệu sẽ mở ra một cơ hội để cung cấp cho thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM sẽ có thêm những khu đô thị đẳng cấp, thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự kiến tạo phát triển đất nước hiện đại, văn minh theo chuẩn xanh chính phẩm với chất lượng và công nghệ Nhật Bản.

Trước đó, quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản đã đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment để mua lại 20% cổ phần của công ty và đầu tư vào các dự án do An Gia phát triển theo tỷ lệ 50/50. Sau hơn 2 năm hợp tác, nhiều dự án do An Gia phát triển như An Gia Skyline, An Gia Riverside đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cũng nhận được sự “hậu thuẫn” từ các đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, có một điều khác biệt, là thay vì bỏ tiền ra mua lại cổ phần của công ty mẹ (Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long), các doanh nghiệp Nhật lại thường mua lại cổ phần tại chính công ty con, đang phát triển từng dự án cụ thể của doanh nghiệp này.

Xu hướng thu hút vốn ngoại sẽ tiếp tục tăng cao

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Nếu phân chia theo lĩnh vực đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 12 tháng năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, trong 12 tháng đầu 2017 có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư.

Từ nhiều năm qua, nhà đầu tư Nhật Bản đã khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam qua 3.411 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 44 tỷ USD. Mặc dù không xa lạ gì với thị trường Việt Nam, nhưng riêng lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư Nhật Bản lại khá dè dặt khi rót vốn vào các dự án, nhất là bất động sản nhà ở, khu đô thị.

Các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group… chỉ thực sự tăng cường dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này khoảng 1 năm trở lại đây. Trước đó, bất động sản như nhà ở, khu đô thị là lĩnh vực hầu như không có sự hiện diện của nhà đầu tư Nhật Bản.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam phân tích xu hướng thu hút vốn ngoại sẽ tiếp tục tăng cao khi Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong khu vực như Nhật Bản.

Theo ông Khương, nếu các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam am hiểu thị trường nội địa thì nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ thế mạnh về quản trị dự án và nguồn vốn. Vì thế, việc hợp tác là một trong những lựa chọn hiệu quả để tăng vốn và sức mạnh đầu tư cho doanh nghiệp trong nước. Sự đổ bộ trực tiếp của các dòng vốn ngoại sẽ giúp các doanh nghiệp nhận diện được giá trị nội tại của mình. Qua đó, sẽ có những cuộc thay đổi, nâng tầm mạnh mẽ để có thể thu hút đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá: “Hiện giá đất vẫn còn rẻ, trong khi nhu cầu lớn đã khiến cho Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng đối với các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản nước ngoài. Trong vài năm tới, chúng tôi dự báo sẽ có một cuộc đổ bộ tương đối ồ ạt của nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh, thanh lọc trên thị trường này. Doanh nghiệp nào làm ăn bài bản, úy tín sẽ trụ lại, doanh nghiệp nào làm ăn bậy bạ sẽ bị loại trừ. Và lúc đó, khách hàng chính là những người hưởng lợi”.

Thùy Linh

Chia sẻ