30
12-2016

Môi giới muốn ăn dài, chớ ‘cắt máu’ đồng nghiệp

Đang café với Nam thì câu chuyện bị gián đoạn bởi một cuộc điện thoại. Sau khi nghe, Nam vui vẻ cho biết, đó cuộc gọi của một đứa em đồng nghiệp cùng làm môi bất động sản.

“Nó báo vừa chốt được hợp đồng nên muốn gửi mình chút quà, do khách hàng đó là do mình giới thiệu”, Nam nói.

Theo Nam, đó là điều bình thường, là nghệ thuật duy trì mối quan hệ ở tất cả mọi ngành nghề chứ không riêng gì bất động sản. Bạn không thể tồn tại độc lập mà cần phải có mối quan hệ, hợp tác, hỗ trợ thông tin với đồng nghiệp.

 “Ví dụ, mình giới thiệu cho đồng nghiệp một khách hàng tiềm năng và họ chốt hợp đồng thành công. Sau đó người này lại trích một phần nhỏ hoa hồng như lời cảm ơn đối với mình. Đó là điều bình thường vì mình cũng có công nhất định. Trong trường hợp đồng nghiệp không chia lợi nhuận cũng không sao, tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc họ tự khép lại mối quan hệ”, Nam giải thích.

Nam quan niệm, một mối quan hệ bền vững thật sự khi cả hai bên cùng có lợi. Tôi cho bạn mối quan hệ và bạn mang lại giá trị cho tôi, đôi khi giá trị đó không nhất thiết phải là tiền mà chỉ là ly café, một bữa ăn nhưng nó lại thể hiện thái độ của bạn. Tôi chỉ nhận lại đúng với công sức của mình, chứ không tham lam cái của người khác.

Tuy nhiên, để có được suy nghĩ như vậy thì Nam cũng phải rút ra từ chính bài học xương máu của mình.

Đó là khoảng thời gian đầu Nam chập chững vào nghề, không có mối quan hệ, kỹ năng bán hàng cũng không nên tất cả đều phải theo học một chị trưởng phòng. Trong một lần xuống dự án, chị trưởng phòng vào văn phòng và bảo Nam ở ngoài canh xe. Lúc đó, vô tình có một khách hàng tới thăm dự án và bắt chuyện với Nam. Với những hiểu biết khiêm tốn của mình nhưng Nam vẫn nhiệt tình tư vấn. Sau một hồi nói chuyện người này quyết định đặt cọc một lúc 5 nền.

Quá sung sướng, anh đem khoe với chị trưởng phòng. Tuy nhiên, từ thời điểm đó thay vì để Nam làm việc với trực tiếp khách hàng thì chị trưởng phòng lại tranh làm tất cả. Dần dần, người này tìm đủ mọi cách gây khó khăn và ép Nam phải nghỉ việc.

“Việc ma cũ chèn ép ma mới là điều kinh khủng, đặc biệt với những môi giới mới vào nghề, không có kinh nghiệm, không mối quan hệ nên phải phụ thuộc rất nhiều vào người hướng dẫn. Nhiều người không ngần ngại nói thẳng tỷ lệ ăn chia dù họ bỏ công sức rất ít. Nhưng trong các trường hợp như vậy hầu hết người mới đều phải cắn răng chịu đựng”, Nam nói.

Anh Vương, môi giới sàn bất động sản tại Bình Tân chia sẻ, có vị khách anh đã mất công chăm sóc, tư vấn cả tháng trời. Đến khi người này quyết định mua và xuống thăm dự án thì lại đột ngột quyết định không mua nữa. Sau này mình mới biết, khi xuống dự án đã có một đồng nghiệp đến tư vấn và nâng mức chiết khấu để giành khách.

Mặc dù công ty, sàn giao dịch đều có những quy định để tránh xung khắc giữa các môi giới như khi tư vấn khách thì phải hỏi xem đã làm việc với nhân viên nào trước chưa, nếu có thì mình không được tư vấn nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ nguyên tắc này.

“Môi giới tranh khách của nhau là chuyện thường, để cạnh tranh họ sẵn sàng “cắt máu”. Đã có không ít trường hợp thượng cẳng tay, hạ cẳng chân giữa các môi giới chỉ vì tranh giành khách hàng”, anh Vương nói.

Mặc dù có thể giành thắng lợi trong một vài trường hợp, nhưng theo Nam những môi giới nếu chỉ dựa vào chiêu trò thì sẽ không thể tồn tại được lâu dài. Vì trong bất cứ ngành nghề gì cũng cần phải có sự hỗ trợ, cộng tác giữa các đồng nghiệp, nếu bạn đánh mất niềm tin với họ thì sẽ rất khó phát triển nghề nghiệp.

“Lợi ích cá nhân phải ở một mức độ nhất định, hai bên đều có lợi, công bằng thì mối quan hệ mới bền vững, mới có thể phát triển nghề nghiệp được”, Nam quan niệm.

Theo cafeland.vn

Chia sẻ