“Sóng ngầm” đầu tư BĐS Việt Nam từ đại gia Trung Đông và Hoa Kỳ
Sự dịch chuyển dòng vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đang đón những tín hiệu tích cực. Không chỉ là những đại gia quen thuộc từ Singapore, Hàn Quốc mà dòng tiền đang có con sóng ngầm từ Trung Đông, Nhật Bản và Hoa Kỳ…
Với tiến trình hội nhập ngày một sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế thông qua nhiều hiệp định kinh tế đa phương và song phương, ngoài dòng vốn truyền thống thì Việt Nam đang tiếp tục thu hút một làn sóng đầu tư mới từ các nhà đầu tư cá nhân và quỹ thuộc khu vực Trung Đông, Hoa Kỳ…
Một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại quận 1, TP HCM cho biết vừa gọi vốn từ nhà đầu tư Mỹ mở một quỹ mới quy mô ban đầu khoảng 50 triệu USD. Mục tiêu của nhà đầu tư này là nhà ở cao tầng và căn hộ dịch vụ cho thuê phân khúc trung cấp trở lên tại TP HCM. “Nếu có tín hiệu lạc quan, họ sẽ tăng quy mô vốn lên 100-150 triệu USD”, nguồn tin này cho hay.
Cách đây không lâu, Tập đoàn Bitexco đã bắt tay hợp tác với một dại gia địa ốc ở Dubai để cùng phát triển khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa trong 20 năm tới. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết CII sẽ rót vốn xây dựng hạ tầng vào khu 3, 4 tại đô thị mới này, đổi lại, doanh nghiệp được làm chủ đầu tư quỹ đất dự án Maria Bay và Thủ Thiêm Lake View khoảng 84.255 m2.
Tổng giám đốc Lê Quốc Bình tiết lộ, làn sóng các quỹ đầu tư bất động sản quốc tế săn lùng mua đất Thủ Thiêm đang diễn ra rầm rộ. Các lô đất tại đây của CII vì vậy cũng đón nhận sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, danh sách đề nghị đặt mua quỹ đất này xếp hàng khá dài. Lý do các đối tác quốc tế tìm đến Thủ Thiêm là dịch chuyển dòng vốn từ thị trường Trung Quốc sang.
Ông Bình chia sẻ thêm, trong quá trình xúc tiến đầu tư với khối ngoại, qua tiếp cận báo cáo tài chính và dòng vốn của đối tác có thể rút ra điểm chung là các nhà đầu tư này có lượng tiền mặt từ hàng trăm triệu USD đến bạc tỷ USD, sẵn sàng chi trả bất cứ lúc nào.
Bên cạnh dòng vốn ngoại từ các quỹ, bất động sản TP HCM còn tiếp nhận dòng tiền từ cá nhân và công ty nước ngoài. Tổng giám đốc một Công ty cổ phần tư vấn có trụ sở tại quận Bình Thạnh chia sẻ, ông đang môi giới cho một công ty nước ngoài mua lại khách sạn 3 sao (đã khai thác được vài năm) tại khu Nam TP HCM. Thương vụ bước vào giai đoạn đàm phán giá cả và các thủ tục pháp lý.
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: “Hiện dòng vốn của cá nhân người nước ngoài chảy vào bất động sản chưa rõ rệt nhưng giao dịch của các tổ chức đã xuất hiện những cơn sóng ngầm. Sự dịch chuyển vốn từ bên ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đón một số tín hiệu tích cực”.
Ông Nghĩa phân tích, các doanh nghiệp FDI đang mạnh dạn tính đến kế hoạch thu mua bất động sản tiêu dùng (nhà ở đã hoàn thiện) và bất động sản dịch vụ (khách sạn, văn phòng, thương mại) để khai thác ngay lập tức.
Còn ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield chia sẻ: “Tại Việt Nam, thị trường vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên rõ rệt vào năm 2015, tăng khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam”.
Ông Alex Crane cho rằng, thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất. Một trong những thách thức lớn cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển bất động sản nước ngoài, dù cho vốn của họ có lớn đến đâu đi chăng nữa, chính là việc tiếp cận quỹ đất, vì các quỹ đất lớn thường được sở hữu bởi công ty Việt Nam.
“Do đó, chúng tôi hy vọng xu hướng liên doanh với các công ty trong nước trong thời gian tới sẽ được tiếp tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quỹ đất này để phát triển dự án”, ông Alex Crane dự báo.
Nói về các thách thức, dù dự báo tỷ lệ vốn FDI vào bất động sản sẽ chiếm tới 30 – 40% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, nhưng GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, còn khá nhiều rào cản với dòng vốn này.
Điển hình là những lo lắng của nhà đầu tư về cơ chế đem tiền lợi nhuận do đầu tư thành công ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thế chấp bất động sản tại Việt Nam vào ngân hàng nước ngoài để huy động vốn đầu tư dài hạn cũng chưa thực sự thuận lợi.
“Nếu giải quyết tốt những vấn đề này, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản trong nước sẽ tăng lên nhanh chóng”, ông Võ nhận định.