Từ hôm nay (1/7) Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS 2014 chính thức có hiệu lực
Vào ngày 25/11/2014, Quốc hội Khóa 13 đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Hai luật có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực bất động sản sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay 1/7/2015.
Hai luật này được mong đợi sẽ là đòn bẩy chính sách giúp thị trường BĐS phát triển hơn. Dưới đây là những thay đổi đáng chú ý của hai bộ Luật này.
Một là, quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam được mở rộng đáng kể .Cụ thể, cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được phép sở hữu nhà ở với thời hạn 50 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài cũng có quyền sở hữu nhà phục vụ công việc của mình. Hơn thế, luật cũng cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu nhà đầy đủ hơn qua việc họ được quyền góp vốn, cho thuê, cho mượn, ủy quyền quản lý…
Mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế như số lượng nhà ở do người nước ngoài sở hữu tại một nhà chung cư không có 30% số lượng nhà, hay không quá 250 căn nhà tại một văn phòng. Những hạn chế này được cho là cần thiết để đảm bảo chủ quyền quốc gia.
Hai là, quyền sở hữu nhà của Việt kiều cũng như người trong nước. Luật Nhà ở trước đây có nhiều hạn chế cho đối tượng này khi muốn sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên đến Luật Nhà ở 2014 chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam là Việt kiều sẽ được sở hữu nhà không hạn chế về số lượng.
Bà là, việc thực hiện dự án được đảm bảo hơn. Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 đã thiết lập được khung pháp lý chặt chẽ. Cụ thể với chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ được phép bán khi phần móng nhà đã được xây xong, lần thanh toán đầu tiên không quá 30% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư không được thu quá 95% khi nhà nước chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua,…
Ngoài ra, chủ đầu tư phải sử dụng tiền trả trước của người mua nhà cho mục đích xây dựng nhà, và phải có một ngân hàng đủ năng lực thực hiện bảo lãnh đối với việc xây dựng trong tương lai. Như vậy, với quy định này đảm bảo chỉ các nhà đầu tư có thực lực thực sự về tài chính mới có thể tồn tại được.
Bốn là, nhiều điểm mới trong giao dịch bất động sản, nhà ở. Về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu nhà ở kể từ khi bên mua đã trả đủ tiền mua nhà hoặc kể từ khi nhận nhà từ chủ đầu tư. Chủ đầu tư không phải giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản nữa, được biết là để giảm chi phí giao dịch cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, Luật kinh doanh bất động sản 2014 cũng tạo điều kiện để chủ đầu tư có thể thoái vốn dễ dàng hơn. Vấn đề sở hữu chung, riêng trong nhà ở chung cư cũng được minh bạch hóa. Luật nhà ở 2014 cũng quy định rõ ràng hơn về xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhà ở, Qua đó, người dân sẽ có nhiều thông tin về dự án.
(Theo CafeF)