Bất động sản sẽ thay đổi như thế nào sau đại dịch Covid-19?
Nhận định này được ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group, đưa ra tại Hội nghị quốc tế online (Webinar) do FIABCI Asia Pacific tổ chức tại Malaysia với chủ đề: “Tương lai của thị trường bất động sản sau Covid-19 tại các nước ASEAN” diễn ra mới đây.
Ông Bình đưa ra tám yếu tố để minh chứng cho nhận định trên.
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt công cụ tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu, tạo việc làm, tăng sức mua. Đơn cử như giảm, hoãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi vay…
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có những tác động mạnh đến thị trường bất động sản.
Ông Bình cho rằng, trong các quý cuối năm, tác động này có thể gia tăng khi các khoản giải ngân trong quý 1 phát huy tác động trễ và việc giải ngân vốn được thực hiện nhanh hơn.
Việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công được coi là một nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế và phát huy trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn.
Thứ hai, Việt Nam có nền kinh tế mở. Trong năm 2020, Việt Nam xếp hạng 105 trên thế giới về Chỉ số tự do kinh tế, tăng 23 bậc so với năm 2019.
Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Việt Nam nổi trội hơn về “Kỹ năng tri thức toàn cầu” – xếp hạng 59, tăng 10 bậc so với năm 2019.
Bên cạnh đó, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) vào ngày 12/2/2020. Vào cuối tháng 3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA.
Hiện nay, Chính phủ đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn.
Thứ ba, Việt Nam vẫn còn không ít yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ đầu năm tính đến ngày 20/3/2020 – bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài – đạt gần 8,6 tỉ USD. Trong đó, 758 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỉ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là địa điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhờ thúc đẩy việc cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh một cách nhất quán. Thị trường Việt Nam vẫn có một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do quan trọng.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các nhà đầu tư đẩy nhanh quyết định dịch chuyển địa điểm đầu tư sang các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) để “chiếm chỗ”, bởi năng lực hấp thụ vốn FDI của Việt Nam không phải là vô hạn.
Thứ tư, Việt Nam đang trong giai đoạn của cơ cấu dân số vàng và cũng là nước có tốc độ đô thị hóa thuộc top đầu thế giới. Yếu tố này đang trở thành động lực phát triển của thị trường nhà ở, bất chấp tác động từ dịch Covid-19.
Tốc độ tăng trưởng dân số mạnh tại các khu vực đô thị đã tạo ra nguồn cầu lớn cho các dự án nhà ở mới. Đồng thời quy mô trung bình của một hộ gia đình tại đô thị Việt Nam từ hai đến ba thế hệ ngày càng chia nhỏ hơn, phản ánh các yếu tố nền tảng về dân số và vĩ mô cho phát triển nhà ở.
Thứ năm, người Việt có thói quen tiết kiệm để mua nhà. Ông Bình cho rằng, ảnh hưởng của Covid-19 là ngắn hạn, trong khi nhu cầu nhà ở, đầu tư là dài hạn nên sức mua thực tế vẫn tốt. Lượng cầu có khả năng thanh toán vẫn cao.
Thứ sáu, Việt Nam nằm trong “Top 10” nơi làm việc tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài. Minh chứng rõ nhất là những nỗ lực và cách thức Việt Nam chống dịch thời gian vừa qua. Điều này cũng cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới.
Cùng với các chính sách ngày càng cởi mở hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới, khi dịch qua đi.
Thứ bảy, kiều hối và xu hướng hồi hương tránh dịch của kiều bào. Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu kiều bào và hàng trăm nghìn người đang định cư và lao động trên thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước tham khảo cách Việt Nam phòng chống dịch cũng cho thấy Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Thứ tám, khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch sau đại dịch. Ngoài bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp, du lịch và bất động sản du lịch cũng sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh hơn các ngành nghề khác khi đại dịch kết thúc.
Đầu tư vào bất động sản du lịch mang tầm nhìn dài hạn. Do đó, những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính vững vàng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước.
Mặc dù được kỳ vọng là ngành phục hồi sớm nhất sau đại dịch, song theo vị chủ tịch CEO Group, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, Covid-19 tác động đến phương thức làm việc mới theo công nghệ số, online. Bất động sản Việt Nam cũng sẽ thích ứng theo xu thế này (bán hàng online, các dịch vụ online…).
Các sản phẩm bất động sản xanh, gần gũi với môi trường, có tính riêng tư như nhà ở riêng lẻ (biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng, trang trại) sẽ có cơ hội lớn do khách hàng chú trọng đến an toàn vừa ở, vừa đầu tư sinh lợi, vừa có không gian giãn cách xã hội khi cần.
Bất động sản công nghiệp, văn phòng của Việt Nam sẽ phát triển, kéo theo nhu cầu bất động sản nhà ở và du lịch sớm hồi phục.
Cuối cùng, do là điểm đến an toàn nên nhóm bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng dựa trên cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.