Bất động sản Tân Uyên “nổi sóng” theo lộ trình lên thành phố
Mới đây, thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã thông qua chủ trương xây dựng đề án thành lập TP Tân Uyên và TP Bến Cát theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Cùng với 3 thành phố hiện hữu, Bình Dương trở thành địa phương sở hữu lượng thành phố nhiều nhất cả nước. Trong đó, vùng Tân Uyên là cái tên số một được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa và hạ tầng giao thông.
Chiến lược 5 năm bứt phá
Hình hài của một đô thị hiện đại đang từng bước hình thành tại Tân Uyên. Sau khi đạt chuẩn đô thị loại III vào 2018, kinh tế của vùng Tân Uyên đã phát triển mạnh mẽ với bàn đạp là lĩnh vực công nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương luôn duy trì ở mức hai con số trong nhiều năm gần đây, thu hút vốn FDI tính đến 2020 đã đạt gần 4 tỷ USD. Trong cơ cấu kinh tế của địa phương, tỷ trọng công nghiệp đã chiếm đến hơn 70%, còn thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 27%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm trên 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 18%/năm.
Dân số Tân Uyên hiện có khoảng 300.000 người. Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người tại Tân Uyên gấp 1,56 lần so với cả nước.
Diện tích Tân Uyên vào khoảng 19.200 ha, bao gồm 12 xã, phường
Cơ hội để Tân Uyên lột xác trong các năm tới là khá rõ ràng. Khu vực này nằm ở vị trí trung tâm nối liền các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Phú giáo. Hơn thế, khu vực Tân Phước Khánh của Tân Uyên còn là hạt nhân trong quy hoạch phát triển thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương.
Hiện chính quyền Tân Uyên đã vạch ra lộ trình đầy tham vọng trong vòng 5 năm tới. Theo đó Tân Uyên phấn đấu đạt đô thị loại II trước năm 2025, phát triển theo hướng đô thị thông minh trên cơ sở bảo đảm định hướng quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh.
Cụ thể hóa bằng các bước đi sáng tạo, thời gian qua, Tân Uyên đã triển khai hàng loạt các công trình hạ tầng quan trọng như nâng cấp đường ĐT747B với lộ giới quy hoạch 74m, đường ĐT746 lộ giới từ 35,5m – 42m cùng quy hoạch đồng bộ các trục đường xuyên tâm Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT743. Trong khi đó, các tuyến giao thông đối nội quan trọng, kết nối với các trục đường chính đô thị và các khu phố như đường Tân Phước Khánh 10, đường LKV13 cũng được chính quyền địa phương đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên tới 28m.
Bất động sản “đón sóng” đầu tư
Nằm trong vùng động lực tăng trưởng chính của Bình Dương, vùng Tân Uyên đã và đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, nơi thu hút một lượng lớn kĩ sư, các chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc và sinh sống.
Các khu công nghiệp tiêu biểu của địa phương này là KCN VSIP II, Nam Tân Uyên, Sóng Thần 3, Bảy Mẫu, Uyên Hưng, Phú Chánh. Hay khu công nghiệp VSIP III với quy mô khoảng 1.000ha chuẩn bị được đầu tư xây dựng tại địa phương.
Công nghiệp sầm uất là nền tảng thuận lợi để hình thành các khu dân cư, khu đô thị hiện đại liền kề. Mô hình tích hợp giữa khu dân cư và các khu công nghiệp còn giúp diện mạo đô thị Tân Uyên phát triển hài hòa và bền vững, thu hút một lượng lớn người dân về an cư lạc nghiệp. Kéo theo đó là sự đổ bộ của các chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước, tạo lợi thế để bất động sản khu vực này gia tăng giá trị.
Có một điều dễ nhận thấy ở khu vực này là ngưỡng giá bất động sản còn “mềm” so với các khu vực khác đã phát triển trước đó. Chính vì thế, cơ hội đầu tư cũng như an cư luôn dễ dàng hơn. Theo các chuyên gia, thường những nhà đầu tư “nhạy bén” sẽ đón đầu thông tin quy hoạch, hạ tầng từ thời điểm ban đầu, để khi hình thành rõ nét biên lợi nhuận sẽ đạt được cao hơn.
Chẳng hạn, dự án nhà phố mở bán cuối năm 2018 được rao khoảng 20 triệu đồng/m2 thì đến năm 2019 đã lên 30-35 triệu đồng/m2. Sau khi có thông tin Dĩ An chính thức lên thành phố từ năm 2020 thì giá giao dịch còn tăng lên 40-45 triệu đồng/m2.
Hay như sản phẩm nhà phố giao thô tại thị xã Thuận An mở bán đầu năm 2019 có giá 65-70 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 72-75 triệu đồng/m2. Khu shophouse mặt tiền đường có mức giá gần 10 tỉ đồng/căn, tương ứng với mức giá đất 75-80 triệu đồng/m2.
Tương tự, trước nghị quyết thành lập TP. Thủ Đức (TP.HCM), giá bán một số dự án xung quanh tuyến đường Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi (Q.Thủ Đức cũ) dao động từ 35 – 40 triệu đồng/m2 nay ghi nhận mức giá 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất nền mặt tiền đường Lò Lu, Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển (Quận 9 cũ) tăng vọt lên 40 – 45 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi lên tới 50 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch cách đây 6 tháng chỉ từ 35 triệu đồng/m2.
Hiện nay, song song với việc phát triển các khu công nghiệp mới, vùng Tân Uyên cũng đã xuất hiện những dự án nhà ở chất lượng phục vụ nhu cầu của tầng lớp doanh nhân, giới chuyên gia và những người có thu nhập cao. Đơn cử như dự án The Standard của Tập đoàn BĐS An Gia (AGG). Được phát triển theo mô hình khu biệt lập, The Standard có quy mô 6,9 ha, là chiến lược đón đầu xu thế của An Gia, hứa hẹn thiết lập chuẩn mực sống mới tại vùng đô thị vệ tinh TP.HCM.
Dự kiến, Tân Uyên sẽ thu hút thêm một lượng lớn các dự án nhà ở có quy mô lớn còn giúp bổ sung thêm mảnh ghép để thúc đẩy tham vọng đô thị hóa, tiến thẳng lên thành phố trực thuộc tỉnh của Tân Uyên trước 2025.
(Dân Việt)