4 thách thức đang chờ đợi thị trường bán lẻ Sài Gòn
Sự xuất hiện của đại gia mới ở trung tâm và ngoại ô TP HCM, cuộc so găng của nhà bán lẻ nội địa với nước ngoài mở ra cuộc đua giành thị phần sôi động nhưng cũng đầy thách thức cho thị trường này, theo Cushman & Wakefield Việt Nam
Thách thức ở trung tâm Sài Gòn
Nhà bán lẻ lừng danh và lâu đời của Nhật, Takashimaya vừa chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam đầu tháng 8/2016 tại Saigon Center giai đoạn II, một khu mua sắm mới khai trương ngay trung tâm quận 1, TP HCM. Cách tiếp cận thị trường của nhà bán lẻ này rất bài bản, có tính thận trọng cao. Đây có thể là cách họ vừa làm, vừa đánh giá, vừa quan sát cách người Việt Nam trải nghiệm một không gian mua sắm khác với phần còn lại giữa trung tâm thành phố.
Đại gia bán lẻ có bề dày kinh nghiệm 180 năm đến từ Nhật đã có những nghiên cứu bài bản, tìm hiểu kỹ và định vị người tiêu dùng TP HCM một cách sâu rộng. Qua đó, họ bố trí gian hàng đặc trưng, không gian thoáng, trang trí đẹp nhằm mang lại những trải nghiệm khác biệt. Phần diện tích bố trí cho ẩm thực khá lớn với nhiều mô hình khác nhau, lần đầu có mặt tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở khu trung tâm Sài Gòn là giá thuê tại đây khá cao. Hiện tại trung tâm này chủ yếu thu hút sự tò mò của khách hàng và nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào khu ẩm thực. Phải đợi thêm một thời gian hoạt động từ 3 đến 6 tháng mới có thể đánh giá chính xác hiệu quả của trung tâm và sự hấp thụ của khách hàng cũng như của thị trường.
Thách thức các giới hạn của thị trường bán lẻ ở ngoại ô |
Có khá nhiều đại siêu thị xuất hiện theo mô hình one stop shopping (một điểm đến đáp ứng mọi nhu cầu) đang mọc lên ở khu Nam Sài Gòn và cả trục phía Đông, Tây TP HCM. Chủ đầu tư đều là những nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Đây là xu hướng mới, hiện đại mang lại thông điệp khách hàng được trải nghiệm tất cả các dịch vụ cần thiết tại một nơi mua sắm, dành cho mọi đối tượng khách hàng thay vì phải di chuyển nhiều. Lợi thế lớn cho mô hình này là tạo ra sự thuận tiện tối đa cho khách mua sắm trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, đường xá, hệ thống giao thông tại TP HCM chưa thuận tiện như mong đợi.
Thế nhưng, thách thức cho mô hình bán lẻ ở ngoại ô chính là sự định vị khách hàng chuẩn xác đến đâu. Thông qua cách thức thiết kế, bố trí ngành hàng, giá cả, dịch vụ phụ trợ của các trung tâm mua sắm này, nhà bán lẻ phải giải mã được thị hiếu và nhu cầu liên tục thay đổi của thượng đế mới có thể gặt hái thành công.
Thách thức cho nhà bán lẻ nội địa
Trước làn sóng xâm nhập thị trường mạnh mẽ của các đại gia bán lẻ nước ngoài, nhà bán lẻ trong nước phải đối mặt với kịch bản thay đổi để tồn tại. Đầu tiên là xác định tầm nhìn và cách thức hoạt động bài bản. Trước khi bắt đầu dự án nên có những nghiên cứu, phân tích để xây dựng chiến lược kinh doanh mang tính dài hơi vì bản chất của bán lẻ là sự luôn thay đổi mang lại sự mới mẻ cho người tiêu dùng. Kế đến là định vị đúng phân khúc khách hàng, xác định được người tiêu dùng tiềm năng và có những chính sách xuyên suốt, lâu dài, bài bản, chuẩn bị nguồn lực thì mới tồn tại và cạnh tranh được với nhà bán lẻ nước ngoài.
Bài kiểm tra giá thuê mặt bằng bán lẻ đang trên đà giảm
Giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình trong quý II/2016 tại TP HCM đang có dấu hiệu đi xuống. Nguyên nhân chính là do nguồn cung mới mặt bằng bán lẻ liên tục tăng lên trong thời gian qua (chủ yếu ở khu vực rìa trung tâm). Song, giá thuê ở khu trung tâm thành phố vẫn xếp vào hàng đắt đỏ vì khan hiếm.
Trong thời gian tới giá thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm cũng vẫn sẽ cao do ít nhất trong 2 năm tới chưa có thêm trung tâm thương mại mới nào ra đời trong khi các thương hiệu mới đang ngắm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt ưa chuộng mặt bằng trong trung tâm (CBD). Bài toán đặt ra là những vị trí khu bán lẻ ngoài trung tâm có thể chịu áp lực điều chỉnh giá thuê. Thách thức cho thị trường còn nằm ở chỗ định vị dự án đúng thì sẽ đưa ra mức giá thuê đúng và ngược lại.
Theo vnexpress.net